February 17, 2011

Độc tố của nấm mốc trong thực phẩm không bị tiêu diệt ở nhiệt độ sôi


Lương thực thực phẩm khô dễ ẩm mốc do hút ẩm nhiều, nhất là trong thời tiết nóng ẩm như hiện nay càng bị hư hỏng nhiều. Các chuyên gia cảnh báo, nếu nghi ngờ thực phẩm mốc, chớm mốc đều phải kiên quyết hủy bỏ, nếu tiếc rẻ ăn vào sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.

Nhiều bà nội trợ thấy lạc, đậu bị mốc, tiếc của không bỏ đi mà sảy qua rồi phơi khô để ăn tiếp với suy nghĩ phơi qua nắng nấm mốc đã bị tiêu diệt là đã hết độc. Nhưng thực chất không phải vậy. Các chuyên gia cho rằng sử dụng lại số lạc, đậu bị mốc đó sau khi chỉ chà sát và phơi khô là việc làm sai khoa học, ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ.

Nhiều tài liệu cho thấy khi đem lạc mốc rang lên, dù ở nhiệt độ rất cao, các bào tử nấm mốc bị tiêu diệt, nhưng độc tố của chúng vẫn không bị phá hủy hoàn toàn, ăn vào vẫn có thể gây nguy hiểm.
Để loại bỏ chất độc này cần nhiệt độ cao hơn nhiệt độ sôi, tuy nhiên, việc đó cũng chỉ giúp hạn chế một phần nào chứ không loại bỏ được hoàn toàn. Vì thế, nếu nghi ngờ thực phẩm mốc, chớm mốc đều phải kiên quyết hủy bỏ, nếu tiếc rẻ ăn vào sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.
Muốn bảo quản và dự trữ những loại hạt khô tránh nấm mốc, chúng ta cần phải phơi khô, loại bỏ hết những hạt giập vỡ, hạt nhăn nheo, hạt nghi mốc ngay từ đầu. Cần bảo quản nơi khô ráo, kho bảo quản phải thông thoáng. Các nghiên cứu cho thấy, nấm mốc chủ yếu xâm nhập khi hạt lạc còn chứa 15 - 20% hàm lượng nước, nếu dưới 9% nước thì loại nấm mốc này không thể nào phát triển được. Với gạo, hàm lượng nước dưới 12%, mốc sẽ không phát triển được.
Phương Lan
Theo: laodong.vn

No comments:

Post a Comment