Ngày 31/10/2010, người dân ở vùng biển thuộc xã Nghĩa An huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi đánh bắt được con cá Nhồng lớn (30 kg), và được xẻ thịt chia cho 4 hộ gia đình ăn trong ngày. Sau khi ăn khoảng 2 giờ, 17 người có cảm giác đau đầu, nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng dữ dội và tụt huyết áp, phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và được xác định là bị ngộ độc. Vậy đâu là nguyên nhân và biện pháp phòng chống ngộ độc cá Nhồng?
1. Thông tin về cá Nhồng: Theo Bách khoa toàn thư, Cá Nhồng thuộc họ Sphyraenidae, họ cá biển cỡ lớn, bộ Cá Đối (Mugiliformes). Mình dài, gần giống hình trụ tròn, phủ vẩy nhỏ. Đầu nhọn, miệng rộng, hàm dưới nhô ra trước, răng sắc nhọn. Vây lưng phía trước có 5 tia gai cứng. Họ cá Nhồng gồm khoảng 20 loài thuộc cùng một chi Sphyraena. Phân bố ở vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, hay gặp ở các vùng biển nông, thềm lục địa. Thức ăn chủ yếu của loại cá này là cá con (có khi cả loài cá lớn).
Ở Việt Nam, đã đánh bắt được 4 loài cá nhồng. Hai loài thường gặp hơn cả là Cá Nhồng vằn (S. jello) và Cá Nhồng vàng (S. obtusata). Cá Nhồng vằn (có nơi còn gọi là Cá Nhồng sọc) mình có 16 sọc, thân dài đến 1,5m, có sản lượng cao vào mùa Thu - Đông. Cá nhồng vàng bên mình có một sọc chấm dài màu tro mờ, nằm dưới đường bên. Thịt Cá nhồng ngon (nhất là các loài Cá Nhồng nhỏ dưới 600 mm) được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới; nhưng thịt các loài Cá Nhồng sống ở vùng rạn san hô (nhất là cá lớn) khó tiêu hoá, gây đau bụng, thậm chí ngộ độc, có trường hợp chết người, vì trong thịt của chúng tích tụ nhiều độc tố do chúng thường ăn các loài da gai có chất độc, tảo độc ở rạn san hô.
Theo cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ (U.S. Food & Drug Administration), loại cá Nhồng lớn có chứa độc tốCiguatoxin (còn gọi là Ciguatera), là tác nhân gây ra ngộ độc thực phẩm.Ciguatera có thể gây ra các rối loạn tiêu hóa (đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn và ói mửa), các triệu chứng thần kinh cơ (ngứa môi, cảm giác da bất thường hoặc bị suy giảm, đảo chiều nóng-đến-lạnh, chóng mặt, thiếu sự phối hợp cơ, đau cơ, và ngứa) và các vấn đề về hô hấp (có thể có tình trạng tê liệt hô hấp). Ngộ độcCiguatoxin ngay sau khi ăn cá nhiễm độc. Các triệu chứng có thể tái phát lên đến 6 tháng. Thông thường ít khi gây ra tử vong .
2. Nguyên nhân vụ ngộ độc cá Nhồng tại Quảng Ngãi
Ngay sau khi nhận được thông tin vụ ngộ độc cá Nhồng trên, Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Quảng Ngãi đã tổ chức điều travụ ngộ độc thực phẩm và lấy 3 mẫu cá Nhồng gửi Viện Pastuer Nha Trang để xác định độc tố. Ngày 5/11/2010, Viện đã thông báo kết quả kiểm nghiệm, 2/3 mẫu cá Nhồng có kết quả dương tính (+) với Ciaguatoxin. Kết quả kiểm nghiệm đã xác định độc tốCiguatoxin có trong loại cá Nhồng lớn đúng như cảnh báo của cơ quan FDA, là nguyên nhân gây nên 17 trường hợp ngộ độc cá Nhồng lớn tại xã Nghĩa An- Tư Nghĩa - Quảng Ngãi.
3. Biện pháp phòng chống ngộ độc cá Nhồng
1. Tuyên truyền, cảnh báo cho ngư dân ở vùng biển nơi có loài cá này sinh sống và người tiêu dùng biết để không đánh bắt và sử dụng loại cá Nhồng lớn làm thực phẩm.
2. Giám sát phát hiện sớm ca ngộ độc thực phẩm do cá Nhồng, tổ chức cấp cứu điều trị kịp thời nhằm hạn chế ảnh hưởng của độc tố cá Nhồng đối với sức khỏe người tiêu dùng.
3. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để việc đánh bắt, kinh doanh, sử dụng cá Nhồng lớn làm thực phẩm.
Theo VFA
No comments:
Post a Comment