December 17, 2010

3.000 đồng nấu được 30 nồi nước hủ tiếu

"Chỉ cần 2 viên "bột ngọt", bảo đảm nồi nước dùng hủ tiếu sẽ ngọt như nước xương hầm". Lời quảng cáo này là câu cửa miệng của các chủ sạp bán gia vị tại chợ Bình Tây, Bến Thành, An Đông, Bà Chiểu... Phóng viên Báo NLĐ đã đem các loại bột nêm này nhờ các nhà khoa học phân tích nhưng họ cũng bó tay!

Những ngày qua, khi nhận một số loại bột nêm, gia vị (nấu lẩu thái, nêm hủ tiếu, nấu cà ri, làm rau câu... ) do chúng tôi gửi đến phân tích, các nhà khoa học của Trung tâm Đào tạo và Phát triển sắc ký TPHCM, cũng lắc đầu cho biết "không thể phân tích nổi vì tốn rất nhiều thời gian, khó chính xác vì trộn lẫn nhiều hóa chất quá". Nhà khoa học khó phân tích, nhưng ra chợ thì người bán, người mua cứ vô tư!

Thứ gì cũng có

Ghé chợ Bình Tây (Q.6 - TPHCM) khoảng 6 giờ chiều, không khí mua bán rất nhộn nhịp, đặc biệt là tại cửa hàng bán gia vị, bột nêm... Hỏi mua các loại bột nêm nấu lẩu, nấu hủ tiếu... hàng nào cũng có và có vô số loại khiến người mua không biết đâu mà lần. Trong vai một nàng dâu mới về nhà chồng, được mẹ chồng dặn mua gia vị nấu ăn, chúng tôi ghi nhận chỉ tính riêng gia vị nấu lẩu Thái đã có lẩu Thái hồng (bao bì hồng) 6.000 đồng/gói; lẩu Thái xanh 7.000 đồng/gói và lẩu Thái tím thì chỉ 4.000 đồng/gói. Giá cả thì khác nhau, nhưng bao bì thì không thể phân biệt được vì... toàn chữ Thái, không có một dòng tiếng Việt nào. Băn khoăn về chất lượng, chúng tôi được người bán giải thích bằng một câu gọn lỏn: "Tiền nào của nấy, đắt tiền hơn thì ngon hơn chứ sao".

Tương tự là bột nấu cà ri, bột nấu nước dùng hủ tiếu, bánh canh... Chỉ riêng bột nấu cà ri có giá từ 500 đồng - 1.800 đồng/gói. Trên bao bì không hề thấy ghi hạn sử dụng sản phẩm, mà toàn tiếng nước ngoài như tiếng Trung Quốc, Thái Lan.

Chợ nào cũng bán đầy

Không chỉ chợ Bình Tây, những chợ chúng tôi ghé đến như chợ Bà Chiểu, chợ An Đông, chợ Bến Thành đều như thế. Trong khi đang chọn mua một số gia vị, chúng tôi thấy một người khách tới bảo chị bán hàng bán cho 4.000 đồng bột ngọt nấu hủ tiếu và một bịch bột màu nấu cà ri. Chị bán hàng đưa ra những viên nho nhỏ, đựng trong một chiếc bao sẫm màu rồi trao cho người khách. Khách đi rồi, chúng tôi dò hỏi thì chị bán hàng cho biết, những viên nho nhỏ đó là bột nêm của những hàng bán hủ tiếu, chỉ cần 2 viên là nồi nước dùng hủ tiếu khoảng 2 tô sẽ ngọt như xương hầm. Tôi định mua, chị bán hàng bảo: "Nhà hàng không có thời gian để hầm xương mới mua thứ đó, chứ gia đình mua làm gì".

Tưởng rằng chỉ mỗi chợ Bình Tây bán sỉ là có những loại bột nêm "đặc hiệu", nhưng tất cả các chợ đều có bán những loại bột nêm không có bao bì, nhãn mác và thành phần như thế. Ghé vào chợ Bến Thành khi trời đã nhá nhem tối và các cửa hàng đang rục rịch đóng cửa, tôi hỏi một chị bán hàng về "bột đường ngọt" nấu nước dùng hủ tiếu, chị lập tức hỏi tôi mua bao nhiêu. Tôi bảo mua 3.000 đồng, chị đưa cho tôi ít nhất là 70 viên, được trút ra từ một bịch ni lông sẫm màu ở dưới sạp hàng và dặn cẩn thận: "Chỉ cần 2 viên là đủ cho một nồi nước dùng khoảng 2 lít nước, bỏ nhiều hơn, đậm quá khách sẽ chê". Nhẩm qua, tôi tính 3.000 đồng sẽ nấu được 30 nồi nước dùng hủ tiếu.

Mua xong, tôi đổ thứ bột trắng đó ra để xem, vô tình đưa tay lên miệng khi chưa rửa tay, vị bột đó xộc ngay lên mũi, mùi lờ lợ làm tôi... phát hoảng. Sau vị lờ lợ, miệng tôi có cảm giác nóng và hơi cay. Tôi rửa tay, súc miệng mà vẫn chưa hết cảm giác khó chịu.

Toàn hóa chất độc hại

Quan sát những bột nêm, gia vị mà chúng tôi mang đến, TS Diệp Ngọc Sương, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển sắc ký TPHCM, cho biết: "Những gia vị này được trộn từ hàng loạt hóa chất khác nhau, rất khó phân tích chính xác thành phần". Theo TS Sương, trước đây cũng một vài đơn vị đưa mẫu đến để phân tích, kết quả toàn là những hóa chất độc hại, cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm. Chúng tôi đề nghị phân tích "bột đường ngọt nấu hủ tiếu", bà Sương hứa thực hiện nhưng vẫn không quên cho biết việc phân tích thành phần còn khó khăn hơn cả việc chỉ ra chất phẩm màu sudan trong trứng!

TS Sương cho rằng trước khi có kết quả phân tích, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. Vì theo bà, nguyên nhân của ngộ độc thực phẩm gia tăng không phải là thức ăn bị nhiễm vi sinh mà phần nhiều do thức ăn và những gia vị nêm chứa hóa chất độc hại.

Theo NLD

No comments:

Post a Comment