December 4, 2010

Phụ gia thực phẩm bị thả nổi

                                                       Một chợ bán thực phẩm tại TP.HCM.


Hội thảo Quốc tế phụ gia thực phẩm VN tổ chức tại TPHCM ngày 1/12, đã lôi ra những mảng tối của thị trường phụ gia thực phẩm nước ta.

Trước các chuyên gia hàng đầu về công nghệ thực phẩm đến từ các nước Canada, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore, Malaysia, Philippine, Hàn Quốc, Úc, Thái Lan..., Th.S Đỗ Lan Nhi - ĐH Công nghệ Sài Gòn đã nêu rõ thực trạng kinh hoàng về phụ gia thực phẩm tại VN.
Theo Th.S Nhi, mặc dù Chính phủ đã có quyết định quản lý Nhà nước về ATVSTP với nhóm thực phẩm có nguy cơ cao (thịt, sữa, trứng, hải sản, kem, đá, nước uống, thực phẩm chức năng, phụ gia, thực phẩm đông lạnh…), nhưng thực tế vấn đề VSATTP ở VN vẫn giống như tảng băng lớn đang trôi trên biển cả. Nổi lên bề mặt là phần nhỏ của tảng băng với các nhãn hiệu thực phẩm lớn đảm bảo VSATTP, phần lớn còn lại vẫn gây bức xúc lớn cho người tiêu dùng.
Diễn đàn điều phối các nhà tài trợ ATVSTP ở Việt Nam
Ngày 1/12, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN-PTNT) đã chủ trì buổi thảo luận thuộc diễn đàn điều phối các nhà tài trợ về ATVSTP ở Việt Nam.
Tại buổi hội thảo, rất nhiều dự án của các chuyên gia trong và ngoài nước về chất lượng ATVSTP được trình bày và thảo luận theo chủ đề. Đáng chú ý nhất là các chủ đề về: Cấu trúc và cơ chế điều phối để chia sẻ thông tin và xác định rõ ràng trách nhiệm của các dự án ATTP. Những cam kết và hỗ trợ của các dự án quốc tế để triển khai thực hiện của luật ATTP mới và các chính sách chiến lược ATTP.
Cũng tại buổi thảo luận, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản, Giám đốc dự án Xây dựng và kiểm soát nông lâm sản thực phẩm (FAPQDC) đã giới thiệu website www.thucphamantoanviet.vn về an toàn và chất lượng nông lâm sản. Mục đích của trang điện tử này nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng nắm bắt được thông tin về những thực phẩm an toàn để sử dụng.                          H.ANH
Cụ thể, thời gian gần đây đã xảy ra hàng loạt vụ vi phạm ATVSTP nghiêm trọng bị cơ quan chức năng phanh phui. Điển hình như vụ tương ớt “siêu bẩn” với tỷ lệ nhiễm nấm men vượt mức cho phép 1.600 lần; phẩm màu nhuộm Rhodamine B - hoá chất độc hại có trong 80% mẫu ớt bột và hạt dưa; hay như cà phê được tạo bọt từ chất tạo bọt xà phòng Sodium Lauryl Sulfate gây bệnh mãn tính và ung thư.
Đáng ngại nhất là hàng loạt cửa hàng kinh doanh hoá chất ở chợ Kim Biên, TP.HCM vừa kinh doanh phụ gia thực phẩm, vừa bán hoá chất công nghiệp công khai giữa ban ngày nhưng cơ quan chức năng dường như không hay biết!
Chia sẻ với các chuyên gia VN về kinh nghiệm quản lý và sử dụng phụ gia an toàn, Giáo sư V.Prakash - Viện Nghiên cứu Kỹ thuật công nghệ thực phẩm Ấn Độ cho rằng, cần phải giải quyết hài hòa sự giằng xé, mâu thuẫn giữa vấn đề sức khoẻ, hiệu quả tiêu dùng và giá cả cạnh tranh.
Theo ông, giải quyết mâu thuẫn này cần tăng cường ứng dụng công nghệ thực phẩm vào khu vực nông thôn và ngoại thành, từ đó làm thế nào để rào cản về ATVSTP trong thương mại giảm đi, đồng thời người nông dân và người chế biến biết tự giác làm tăng tính an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.
Một số đại biểu đến từ các nước cũng cho rằng, giải quyết vấn đề ATVSTP không thể làm ngày một, ngày hai, mà nó là cả một chuỗi các hoạt động từ sản xuất của nông dân đến việc giữ vệ sinh suốt quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm. Bao trùm toàn bộ chuỗi hoạt động đó là nền tảng một hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm hiệu quả thì mới mong có được một thị trường phụ gia thực phẩm an toàn và lành mạnh.
Cũng trong dịp này, Hội Khoa học Công nghệ thực phẩm VN đã ký kết với Hội Khoa học Công nghệ thực phẩm thế giới Chương trình “Giáo sư tình nguyện”. Với chương trình này, hằng năm sẽ có các giáo sư hàng đầu của thế giới về công nghệ thực phẩm đến VN giảng dạy cho sinh viên, hướng dẫn giáo sinh 6 trường đại học có ngành công nghệ thực phẩm như ĐH Bách khoa, ĐH Nông Lâm, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Công nghệ thực phẩm, ĐH Công nghiệp và ĐH Kỹ thuật công nghệ. Chương trình “Giáo sư tình nguyện” được kỳ vọng sẽ là một trong những giải pháp đưa kiến thức về kiểm soát và sử dụng phụ gia thực phẩm an toàn của thế giới đến VN một cách hiệu quả và kinh tế nhất.

Nguồn: Báo mới

No comments:

Post a Comment