December 17, 2010

Rùng mình tăm tẩm hóa chất

Cái tăm, gần gũi với người dân Việt Nam bởi thói quen dùng để xỉa răng sau khi ăn. Tuy nhiên, điều mà không mấy ai nghĩ đến là việc chúng được sản xuất ra sao? Có lẽ, nó quá nhỏ nên sự quan tâm từ người tiêu dùng đến nhà quản lý đều chưa có.

Tăm muốn trắng, không mốc phải dùng hóa chất

Xã Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Tây vốn nổi tiếng với nghề làm tăm từ lâu. Tại đây, người dân cũng đã giàu lên trông thấy nhờ nghề này. Tăm Quảng Phú Cầu cung cấp rộng khắp, không những thị trường trong nước mà còn xuất khẩu.

Từ nguyên liệu chủ yếu ban đầu là vầu, tre qua các công đoạn thành những chiếc tăm trắng bóng, thơm mùi quế chúng ta vẫn dùng hàng ngày.

Ngay từ cổng làng, vầu, tăm tre được xếp chất đống. Hỏi thăm, người dân chỉ vào xưởng sản xuất tăm tròn N.A và L.T. Đây được xem là 2 cơ sở sản xuất tăm lớn nhất xã.

Cơ sở sản xuất tăm N.A gồm nhiều xưởng nhỏ, mỗi xưởng xử lý một công đoạn: xưởng chẻ vầu, xưởng tiện, xưởng gia công (làm trắng, chống mốc và phơi khô). Và vấn đề nằm ở xưởng gia công. Bởi, thanh tăm nguyên sơ ban đầu từ máy ra rất đen và có mùi tre. Vì vậy, tại đây, phải dùng chất tẩy trắng nõn tăm và chống mốc để làm sao tăm để hàng tháng, hàng năm vẫn không bị mốc.

Theo lời kể của ông H. và chị K. công nhân lâu năm tại xưởng N.A, sau khi những thanh tăm được tiện tròn ở xưởng bên, sẽ mang về xưởng gia công để tẩy trắng và chống mốc.

Đầu tiên, từng bó tăm được ngâm qua dung dịch H2O2 (oxy đậm đặc), rồi cho vào bể ủ khoảng 4 giờ, sau đó tiếp tục cho dung dịch xút vào ngâm tiếp 2-3 giờ, vớt ra, phơi khô rồi đóng bó và xuất hàng.

Khi được hỏi các hóa chất đó có gây độc hại gì cho cơ thể không, thì hầu hết các công nhân đều bảo không. Tuy nhiên, chiếc bể để xử lý hóa chất cho tăm được xây bằng bê tông dày, che đậy kín, quanh bể các can đựng hóa chất để ngổn ngang.

Tôi định lấy tay mở ra xem thì chị K vội vàng ngăn lại và giải thích: "Không có găng tay cô đừng lại gần đó, nếu hóa chất dính vào da có thể gây bỏng, rộp đấy".

Ông H tiếp: "Nếu vô ý để các dung dịch này bắn vào da thịt sẽ làm rát và phồng đỏ, đặc biệt là xút. Các loại dung dịch này tiếp xúc lâu thường có cảm giác choáng đầu. Những người phơi tăm cũng hay có cảm giác đau đầu, choáng váng". Như để chứng minh, ông H. chìa bàn tay bị hóa chất ăn với những nốt trắng.

Sau khi tăm được vớt từ bể ngâm hóa chất ra sẽ được mang đi phơi nắng cho khô rồi về cắt và làm trơn bóng nếu khách hàng có nhu cầu.

Công đoạn ủ hương liệu quế sẽ được xử lý tại xưởng khác. Ông H khẳng định: "Tăm này để thoải mái không bao giờ bị mốc. Với lại, ở đây, xưởng nào cũng phải ngâm hóa chất, nếu không tăm sẽ bị đen và mốc ngay".

Quản lý còn bỏ ngỏ

Mặc dù việc dùng hóa chất để tẩy trắng và chống mốc tăm đã được người dân sử dụng khá lâu nhưng xem ra việc quản lý vẫn còn bỏ ngỏ. Các công đoạn pha dung dịch, xử lý hóa chất đều được người dân làm trực tiếp, theo kinh nghiệm. Hơn thế nữa, việc ngâm tăm trong xút từ 2-3 tiếng, ai dám khẳng định nó không gây ảnh hưởng gì cho người sử dụng.

Mặt khác, theo ông Chu Đình Kính - nghiên cứu viên cao cấp Viện Hóa học, Viện KHCN, với nồng độ thấp các hóa chất đó có thể không gây ảnh hưởng gì nhiều cho con người, nhưng nếu khống chế không đúng, chỉ cần hơi quá một chút các hóa chất đó sẽ mang tính nguy hiểm rõ rệt, có thể ăn mòn gây viêm loét đường tiêu hóa.

Ông Chu Đình Kính cho biết: Việc dùng xút để chống mốc cho tăm là hoàn toàn không nên, vì kiểm soát nồng độ, cách sử dụng rất khó. Không những vậy, qua quá trình ngâm, xút sẽ ngấm vào sâu bên trong sản phẩm, và như vậy, không thể nào làm sạch được hoàn toàn từ trong ra ngoài sản phẩm.

Giả sử, nếu họ có áp dụng biện pháp khử triệt để, tức ngâm trong nước rất lâu cho loãng dần thì sản phẩm sẽ lại mốc, và không ai lại làm như vậy".

Ông Chu Đình Kính nhấn mạnh: "Theo tôi, dù ở góc độ nào cũng không nên sử dụng. Ngay chất H2O2 dù không gây ảnh hưởng gì nhiều nhưng nó cũng còn liên quan đến nhiều yếu tố. Nguồn gốc thế nào, hay lại tự sản xuất ra vì giá của hóa chất H2O2 cũng khá cao, lại khó bảo quản. Mặt khác, quá trình mua đi bán lại, qua vận chuyển có khi hóa chất đã trở thành chất khác, không còn là H2O2 nữa".

Việc ô nhiễm môi trường tại làng tăm cũng đã trở nên báo động. Ngoài chất thải từ việc sản xuất tăm, tại Quảng Phú Cầu còn có thêm nghề chẻ tăm hương, làm mành..., bởi vậy, người ta phải ngâm vầu, tre vào nước trong một thời gian khá dài. Các con mương dẫn nước tại đây đều đã bị nhuộm đen và bốc mùi thum thủm.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, chưa có cơ quan nào nghiên cứu sự ảnh hưởng từ ô nhiễm này. Cũng chưa biết bao giờ, các cơ quan chức năng vào cuộc để có câu trả lời cho người tiêu dùng về việc dùng hóa chất để ngâm tẩy tăm.

Theo An Ninh Thủ Đô

No comments:

Post a Comment