Tuy nhiên, hiện nay điều này đã trở nên lạc hậu bởi chỉ bằng một tí thuốc thúc chín của Trung Quốc, người ta có thể giấm đu đủ ngay trên cây.
Những cây đủ đủ mặc áo ấm
Đó là hình ảnh được nhìn thấy trên một số thửa ruộng trồng đu đủ ở Đan Phượng, Hà Tây. Giữa tiết trời nắng nóng, những cây đu đủ được khoác lên mình những chiếc bao tải dứa màu sắc khác nhau. Nhưng điểm chung của loại "áo" đặc biệt này là chỉ ôm trọn lấy phần quả.
Hỏi những người nông dân dang làm ruộng xung quanh thì được biết, người ta làm như vậy để giấm đu đủ. Theo anh Nguyễn Văn An, người đang sở hữu ba ruộng đu đủ ở xã Liên Hồng, Đan Phượng, Hà Tây, thuốc thúc chín hay được sử dụng trước đây, thường là đất đèn, nhưng đó là loại thuốc "cổ" vì gần đây đã có thêm loại thuốc của Trung Quốc hiệu quả hơn nhiều.
Quả giấm bằng loại thuốc này chín nhanh hơn, vàng đều trông rất đẹp mã và đặc biệt là vỏ quả trở nên dày và cứng hơn, tránh được hiện tượng đụng dập khi vận chuyển.
Hiện nay, chưa có nghiên cứu hay công bố nào về tính độc hại của loại thuốc mới này, nhưng hầu hết những người trồng và buôn bán đu đủ đều không dám ăn đu đủ giấm thuốc của Trung Quốc.
Chị Nguyễn Thị Sinh, một dân buôn đu đủ lâu năm trên thị trường Hà Nội cho biết, mỗi lần có nhu cầu ăn hoặc đem biếu người thân, chị phải dặn trước người ta rồi dành riêng những quả đu đủ chín cây.
Còn người tiêu dùng, nhiều người nghĩ rằng, nếu đã mất một hai ngày để giấm thuốc thì quả đu đủ chắc chắn không còn giữ được những đặc điểm tươi ngon như: vẫn còn tứa nhựa, núm quả vẫn còn tươi, vết cắt vẫn còn mới.
Tuy nhiên, với cách giấm mới, kinh nghiệm trên không còn giá trị. Hiện nay, nhiều người trồng đu đủ tiến hành phun thuốc thúc chín của Trung Quốc ngay khi quả còn trên cây. Sau đó, họ lấy những bao tải dứa bọc lại để vừa giữ thuốc, vừa giữ nhiệt giúp thuốc phát huy hiệu quả. Với cách làm này, quả đu đủ vẫn giữ được những điểm đặc trưng của đu đủ chín cây mà vẫn có được ưu điểm do thuốc mang lại.
Cả người kinh doanh và sử dụng đều sai
Về nguyên tắc, bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào muốn được kinh doanh, sử dụng ở Việt Nam thì phải được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho phép. Nếu chưa có quyết định cho phép thì mọi hình thức kinh doanh cũng như sử dụng đều trái pháp luật.
Tiến sĩ Đào Trọng Ánh, Trưởng phòng thuốc bảo vệ thực vật, Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay, chưa có một đơn vị trong hay ngoài nước nào xin đăng ký sử dụng và kinh doanh mặt hàng thuốc ngâm ủ quả. Vì vậy, bất kỳ sản phẩm cùng loại được lưu hành trên thị trường thì đó đều là sản phẩm buôn lậu và cả người kinh doanh lẫn sử dụng đều sai.
Riêng với đất đèn, dù chưa có đơn vị nào đăng ký kinh doanh, nhưng đây là phương pháp cổ truyền, đã được sử dụng từ rất lâu. Hơn nữa, tuy chưa có công trình nghiên cứu chính thức nào về tính độc hại của đất đèn, nhưng thực tế, chưa có trường hợp nào bị ngộ độc do dùng hoa quả được giấm bằng chất này. Thêm vào đó, sau vài tiếng đồng hồ bỏ ra ngoài thì đất đèn sẽ tan nhanh vào không khí.
Việc sử dụng với hàm lượng quá lớn dẫn đến việc tồn dư lượng đất đèn có thể gây hại cho người sử dụng hoa quả cũng không thể xảy ra bởi khi đó hoa quả sẽ bị hỏng, thối.
Về mặt sinh học, bất kỳ loại quả nào cũng phải đủ ngày đủ tháng thì mới chín và đảm bảo đủ yếu tố dinh dưỡng. Nếu ta tác động để rút ngắn giai đoạn thì dù bằng cách thức nào cũng không tốt. Khi đó, trong quả xảy ra sự chuyển hóa vội vàng, chất này chưa được tổng hợp xong thì phải chuyển sang tổng hợp chất khác.
Điều này giải thích vì sao quả đu đủ dù đã chín nhưng hạt vẫn còn non và quả cà chua bên ngoài chín đỏ, nhưng bên trong vẫn có chỗ xanh. Vì thế, hoa quả được thúc chín chắc chắn không tốt, không đảm bảo chất lượng bằng hoa quả chín tự nhiên.
Theo Khoa học và đời sống
No comments:
Post a Comment