January 27, 2011

4 dấu hiệu nhận biết thịt tăng trọng

Khi thái thịt, hễ thấy các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt, bắp thịt cần phải loại bỏ ngay, không nên tiếp tục chế biến vì thực phẩm này đã bị nhiễm kén sán.
Không cần phải tiến hành bằng các phương pháp hoá học, các bà nội trợ vẫn có thể chọn được những miếng thịt ngon thông qua cảm quan bề ngoài

Chỉ phát hiện tồn dư hormone bằng phân tích hoá học


Ths. Phạm Hồng Ngân, Phó Trưởng Khoa Thú y, ĐH Nông nghiệp Hà Nội cho biết, chỉ có thể phát hiện được tồn dư hormone trong thịt lợn bằng các phương pháp phân tích hóa học.


Những phương pháp này gồm: Phương pháp mô học, miễn dịch phóng xạ, sắc ký lớp mỏng, phương pháp ELISA, sắc ký lỏng hiệu nâng cao, sắc ký khí khối phổ, sắc ký lỏng khối phổ.


Ngoài ra một kỹ thuật mới cũng đang được dùng trong khâu phát hiện đó là các receptor. Các receptor hormone được dùng để phát hiện sự có mặt của hormone trong mẫu.


Khi có mặt của hormone thì phức hợp receptor-hormone được tạo thành trong tế bào chỉ định và di chuyển về nhân mà ở đó chúng sẽ tác động với một tương tác chuỗi AND kích thích gen mã hóa cho luciferase. Tế bào phát sáng khi có mặt hormone và cơ chất của enzyme.

Để tiến hành các phương pháp kiểm tra này, việc tiến hành lấy mẫu kiểm tra sẽ được thực hiện tại lò mổ, cơ sở chăn nuôi và các quầy bán thịt.


Tại lò mổ, tiến hành lấy mẫu nước tiểu và mỡ vùng đáy chậu, ngoài ra còn lấy mẫu tại điểm tiêm khi chúng được phát hiện, lấy máu cho kiểm tra hormone tự nhiên, lấy mắt cho kiểm tra beta-agoniste.


Tại các cơ sở chăn nuôi:
Lấy mẫu nước tiểu, phân, thậm chí lấy máu để kiểm tra hormone tự nhiên.

Với thực tế hiện nay, việc phân tích hoá học để phát hiện tồn dư hormone trong thịt lợn không phải là công việc thường xuyên được tiến hành tại các chợ, các điểm giết mổ... nên người tiêu dùng chỉ có thể nhận biết thịt lợn được nuôi tăng trọng bằng một số dấu hiệu dưới đây.


Dấu hiệu nhận biết lợn nuôi tăng trọng


Khi chế biến, thịt ra nhiều nước: Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng - Khoa Hoá học, ĐH KHTN (ĐH Quốc gia Hà Nội), thịt dùng nhiều chất tăng trọng có hàm lượng nước nhiều hơn, nên khi đun chín sẽ teo và tách ra nhiều nước, có độ săn chắc kém, thịt không đậm và ít có hương vị thơm tự nhiên truyền thống như vật nuôi hoang dã.


Thịt lợn có mùi thuốc kháng sinh: Cũng theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, nếu lợn được người chăn nuôi cho ăn kháng sinh (một trong những biện pháp giúp lợn tăng trọng-như bài trước đã nêu-PV) thì khi nấu, thịt lợn có tồn dư kháng sinh sẽ bốc hơi lên mùi thuốc kháng sinh. Trong trường hợp này, người tiêu dùng nên bỏ, không nên tiếc kẻo rước bệnh vào thân.


Không ham thịt quá nạc, màu đỏ tươi: Theo Viện dinh dưỡng Quốc gia, đây là loại thịt được người chăn nuôi sử dụng thuốc tăng trọng clenbuterol khiến cơ của lợn phát triển nhanh, đùi to, vai u, có rất nhiều thịt nạc và màu sắc đỏ tươi.


Khi thường xuyên ăn phải thịt lợn nuôi tăng trọng này sẽ khiến bị rối loạn nhịp tim, tổn thương tế bào cơ tim, tăng huyết áp và có thể gây đột biến tế bào, tạo điều kiện phát triển các khối u ác tính.


Thịt không đàn hồi: Cũng theo Ths Phạm Hồng Ngân, Phó Trưởng khoa Thú Y, ĐH Nông nghiệp Hà Nội, không nên lựa chọn những miếng thịt không có độ dẻo dính, đàn hồi. Nếu thịt được ướp bằng hàn the hoặc urê sẽ có cảm giác miếng thịt cứng, không có độ dẻo dính.


Thông thường, miếng thịt lợn ngon có màng ngoài khô, khối thịt rắn chắc, có độ đàn hồi cao. Khi ấn ngón tay vào miếng thịt sẽ tạo thành vết lõm, nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra. Ngoài ra, miếng thịt còn có các thớ thịt mịn đều.


Khi thái thịt, hễ thấy các bọc nhỏ màu trắng xen giữa các thớ thịt, bắp thịt cần phải loại bỏ ngay, không nên tiếp tục chế biến vì thực phẩm này đã bị nhiễm kén sán.


Ngoài ra, người tiêu dùng nên mua thịt lợn có dấu kiểm dịch thú y vì thực phẩm này đã được cơ quan chức năng kiểm tra đảm bảo thực phẩm sạch.

                                                                                                                                                                                   Theo Eva_Nguồn hanoimoi.com.vn

No comments:

Post a Comment