December 19, 2010

NHÌN CÔNG NGHỆ LÀM BÚN, HẾT DÁM ĂN!


Đột kích vào một số cơ sở sản xuất bún tươi tại TP.HCM, chúng tôi thật sự ớn lạnh người, khi tận mắt nhìn thấy công nghệ sản xuất… bẩn kinh hồn. 

Vì lợi ít cá nhân, nhiều cơ sở bất chấp quy định của Bộ y tế về an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo Bác sĩ Nguyễn Thu Ngọc Diệp, Phó trưởng khoa dinh dưỡng - vệ sinh an toàn thực phẩm (Viện vệ sinh - y tế công cộng): "Quá trình chế biến thực phẩm phải đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, vệ sinh cá nhân đúng theo quy định. Nếu không thực hiện nghiêm ngặt một trong ba điều trên thì sản phẩm làm ra chắc chắn không đảm bảo an toàn, nhất là vào mùa nắng nóng, người sử dụng rất dễ bị nhiễm trùng đường ruột".  

Dưới chân cầu vượt An Sương, men theo một con hẻm nhỏ ngoằn ngoèo hơn năm trăm mét, mới tìm ra đươc cơ sở sản xuất bún tươi B - N (phường Tân Thuận, quận 12) Vừa vào tới cổng, chúng tôi gặp phải mùi chua loét bốc ra từ khu vực sản xuất, bước vào bên trong nhà xưởng nhếch nhác, trần nhà mái tôn rỉ sét cộng thêm ván nhện giăng tứ tung, xung quanh hầm, hố chứa đầy rác rến.

Khi có cơn gió thổi vào thì bụi bẩn từ trần nhà rơi xuống bám vào những mẻ bột đang xay và những rổ bún tươi thành phẩm được để dưới nền nhà cáu bẩn đen kịt đầy nước chuẩn bị đưa ra thị trường tiêu thụ. Những công nhân đi qua vô tình làm rơi nước và cát vào các rổ đựng bún, phía dưới cách chỗ để bún chưa đầy hai mét, bầy vịt siêm vô tư rỉa những cọng bún rơi vãi, đồng thời bỏ lại những đống phân tanh rình, ruồi nhặng bay dập dìu. Trong khu vực khuấy bột, những công nhân đang làm không một ai mặc áo, không có găng tay, không khẩu trang, mồ hôi nhễ nhại… thậm chí công nhân còn vô tư hút thuốc lá trong khi làm, thỉnh thoảng tàn thuốc còn rơi vào thau bột, thấy mà rợn cả người.

Chưa hết, chúng tôi còn phát hiện khu vực mồ mả trong khuôn viên cách nơi sản xuất chưa đầy ba bước chân. Theo quy định của Bộ y tế, các cơ sở sản xuất nước uống, thực phẩm… phải cách nguồn ô nhiễm (nghĩa địa, bô rác, lò mổ) từ 500 đến 1000m. Nguồn nước ngầm nếu nằm trong phạm vi không cho phép thì khó có thể xử lý sạch, an toàn. Mà điều nghịch lý là cơ sở sản xuất này, giấy phép kinh doanh đã hết hạn, từ chủ đến công nhân trực tiếp sản xuất không một ai được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, mà vẫn tồn tại và hoạt động hơn ba năm qua.

Tại cơ sơ sản xuất bún tươi N - N (phường 15, quận Tân Bình), chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi hai giỏ rác to đùng để cạnh các thau bún sắp sửa đem ra thị trường tiêu thụ. Vào khu vực sản xuất nhiều vỏ bao, nùi giẽ lau dơ bẩn nằm tứ tung, ruồi nhặng bu đen kịt. Trên tầng nhà máy tôn cũng rỉ sét và bị thủng lỗ li ti, nên được che chắn một cách tạm bợ bằng những tấm bạt dơ bẩn.

Trên bàn để bún thành phẩm, chúng tôi phát hiện bụi bám quá nhiều, phía dưới bàn có hai miệng cống luôn bốc mùi hôi nồng nặc, kế bên là hai bao bột nguyên liệu đã được cắt ra. Người thợ chỉ mặc có độc nhất cái quần đùi vô tư dùng tay bẻ từng mảng bột bỏ vào thùng khuấy, khi vừa đủ người thợ này quơ một miếng vải lau tay bụi bám đen đậy lên trên vì sợ bột tràn, số bột còn lại được chải lan ra nền đất một cách tự nhiên. Thỉnh thoảng có một vài con gián theo miệng cống bò ra bu vào coi như không có chuyện gì xảy ra. Quả thật mà nói, thấy "công nghệ" làm bún như thế này... chúng tôi hết dám ăn luôn.

Theo Môi Trường & Sức Khỏe

No comments:

Post a Comment