Bánh đa là món ăn nhẹ được nhiều người sử dụng để nấu với thịt nạc, với tôm để thành món ăn sáng hay ăn đêm. Bánh đa cũng được sử dụng để ăn lẩu.
Chúng tôi quyết định xâm nhập vào tâm điểm thôn Lộ Cương, xã Tứ Minh, Hải Dương nơi sản xuất bánh đa xuất đi khắp trong Nam ngoài Bắc.
Từ đầu thôn chúng tôi đã gặp phải sự dò xét của một người đàn ông bước chân khập khiễng. Ông ta chỉ ngay vào túi máy ảnh của chúng tôi hoạnh họe: "Túi gì đây? Vào thôn có việc gì?". Biết trước việc người lạ vào thôn này là rất khó nên chúng tôi nhỏ nhẹ: "Chúng cháu vào đặt hàng xuất khẩu đi nước ngoài. Túi này toàn là tiền". Một đồng nghiệp kiêm lái xe phải rút ra ngoài, quay sẵn đầu xe, còn lại hai người sắm vai vợ chồng Việt kiều đi tìm mối đặt hàng để xuất khẩu.
Đường thôn khá rộng, khoảng 2,5m, xe tải có thể vào ra lấy hàng dễ dàng. Ngay từ đầu làng, cái thứ mùi chua gắt, pha lẫn mùi khai, hắc của hóa chất đã làm chúng tôi phải nhăn mặt. Thấy chúng tôi rẽ vào một cơ sở sản xuất bánh đa thật, người đàn ông khập khiễng bỏ đi sau khi lừ mắt cảnh cáo.
Cơ sở sản xuất bánh đa của vợ chồng anh Vũ Văn Vỹ nằm bên phải đường, là một căn nhà cấp 4 chừng 60m2, chia thành 3 khoang. Phòng tráng bánh và khu ngâm bột tối tăm, ngổn ngang xô chậu chứa bột gạo, các phên phơi bánh đa chồng lên nhau. Gian ngoài cùng là gian để cắt bánh đa và vo thành nắm. Lúc đầu việc giao tiếp rất khó khăn, chị vợ nói rất ít còn anh chồng thì dường như không thèm để mắt tới chúng tôi. Sau một hồi, người vợ cho biết, muốn bánh đa trắng thì phải tẩy bằng hóa chất.
Đứa con gái mang ra cho chúng tôi xem hộp chứa hóa chất tẩy trắng bánh đa. Tôi vội vã mở ra và ngay lập tức bị cái thứ mùi vừa khai vừa hắc xộc vào mũi, nước mắt nước mũi giàn dụa, hai con ngươi bỏng rát, muốn nổ tung, ngực thắt lại, cổ họng đắng ngắt, ho dữ dội. Chị vợ nói: "Mùi kinh lắm. Cả làng chẳng ai chứa nhiều trong nhà, mỗi lần mua 1 bịch 10kg. Chừng 5 ngày là hết, có người giao tận nhà nên cũng chẳng hơi đâu mà tích trữ. Càng muốn trắng thì càng phải cho nhiều". Chị cũng cho biết thêm, người làng thì tráng riêng bánh đa đen để ăn, không cho hóa chất. Chị Vỹ cho biết, cứ 3 - 4h sáng là cả làng thức dậy ngâm gạo. Phải chờ ngâm gạo với chất tẩy trắng khoảng 1 tiếng mới bắt đầu đem xay và tráng được. 10kg gạo ra được 9kg bánh, cho khoảng 3 thìa chất tẩy trắng.
Rời thôn Lộ Cương, chúng tôi tới Chợ Lớn (Trung tâm thương mại thành phố Hải Dương) nơi cung cấp các loại hóa chất tẩy trắng này. Chị Đỗ Thị Yến, cổng số 17 chỉ cho chúng tôi mấy thùng hóa chất màu xanh dưới gầm giường nhưng nhất quyết không mở mẫu hàng cho xem với lý do: "Mùi kinh lắm, không thể ngửi được". Chị này cũng khoe: "Tôi bán chất tẩy cho cả thôn Lộ Cương làm bánh đa đấy. Chỉ có một loại từ Trung Quốc này thôi, mùi nó kinh thế thì mới tẩy bánh đa được, chứ loại nhẹ hơn này (đưa ra một mẫu khác) thì chỉ cho vào bánh bao thôi". Giá 1kg là 30 nghìn đồng. Trong lúc chị Yến đang quảng cáo chất tẩy thì người đàn ông quầy bên cạnh thấy tôi chụp ảnh thùng hóa chất chạy ra thì thầm gì đó, chị này lập tức im bặt.
Sau khi thấy được một chiếc bao bì đựng hóa chất, chúng tôi đã đem về nhờ giáo sư Hồ Hữu Thu, chủ nhiệm khoa Hóa trường Đại học Tự nhiên, Hà Nội phân tích. Ông cho biết, Sodium Hydrosulfite có công thức hóa học là Na2S2O4 và một hợp chất nữa là muối axit. Muối axit này dưới tác dụng của nhiệt độ biến thành SO2. Khi tiếp xúc trực tiếp, SO2 có mùi sốc mạnh, gây ngứa mắt, mũi. SO2 hóa lỏng ở -100C. Hỗn hợp của nó với oxy đi qua trên nhiệt độ cao biến thành SO3 khi tác dụng với nước thành H2SO4 có thể gây nên mưa axit làm ăn mòn kim loại, làm chết cá, cây cỏ, cực độc với cơ thể con người nếu ăn uống phải.
Theo Khoa học và đời sống
No comments:
Post a Comment