Thực sự chưa có loại thuốc nào giải được rượu . Ảnh: Xuân Phú
Có thuốc… cứ nhậu
Theo lời rao trên mạng, chúng tôi ghé một cửa hàng bán thuốc tây trên đường Nguyễn Trãi, quận 5 (TPHCM) hỏi mua thuốc giải rượu có tên ME-21. Chủ hiệu thuốc cho biết, loại này có tác dụng giải rượu nhanh. “Uống say đến quên đường về nhưng tống một viên này vào là 5 phút sau tỉnh lại ngay. Giá 50.000 đồng/viên”- người bán thuốc giới thiệu.
Theo người này, dịp lễ, tết các loại thuốc giải rượu bán rất chạy, đặc biệt là các thuốc Tylenol, ME-21, RU-21, Mewol-21...
Nhiều trang rao vặt trên mạng còn cho rằng, các loại thuốc dùng trị cảm sốt như Paracetamol, Pamin, Decolgen, Aspirin... cũng có thể giải được rượu khiến nhiều bợm nhậu tìm mua. Tại một quầy thuốc trên đường Thành Thái, quận 10, người bán đưa ra hơn 10 loại thuốc với giá từ 5.000-10.000 đồng/viên.
“Đặc biệt dân nhậu rất ưa các loại thuốc giải rượu đặc hiệu có tên là Voskyo, Voskyo 3”- chủ một tiệm thuốc, quảng cáo.
Mới đây, anh Nguyễn Văn Th. (36 tuổi, ở quận 10 TPHCM) đã phải nhập viện cấp cứu do dùng thuốc giải rượu. Công việc kinh doanh khiến anh Th. phải thường xuyên tiếp khách bằng rượu bia. Bạn bè bày cho cách giải rượu để không say bằng việc uống Paracetamol. Ai dè...”- anh Th. kể lại.
Sau khi uống hai viên Paracetamol cùng vài chai bia thì bỗng dưng anh Th. bất tỉnh, phải vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ xác định anh bị ngộ độc, tổn thương chức năng gan, xuất huyết bao tử...
Đầu tháng 1, khoa Cấp cứu BV Nhân dân 115 cũng tiếp nhận bệnh nhân Trần Đình H. (ngụ quận Tân Phú) trong tình trạng tổn thương gan, dạ dày chảy máu liên tục do ngộ độc thuốc giải rượu. Trước đó, trong lúc nhậu H. dùng 3 viên thuốc giải rượu có tên Mewol-21. Tuy nhiên chưa thấy giải rượu H. sùi bọt mép, nôn ói, chóng mặt và phải nhập viện.
Coi chừng thần dược
Coi chừng thần dược
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức- giảng viên chính Đại học Y dược TPHCM, không có loại thuốc nào giải rượu như đồn đại. “Tất cả các loại thuốc trên chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không thể giải được rượu, vì vậy lạm dụng có thể gây hậu quả đáng tiếc”- TS Đức cho biết.
Các loại viên được cho có thể giải rượu RU-21, ME-21, Mewol-21, Tylenol, Pamin, Aspirin, Paracetamol có chứa vitamin B1, B6, PP và một số axít... Đây là những chất hỗ trợ dinh dưỡng chứ chưa có tài liệu nào chứng minh tác dụng bảo vệ hoặc phục hồi gan bị rượu làm tổn hại. Ở liều lượng cho phép, những thuốc này có thể giúp bớt nhức đầu, mệt mỏi.
TS Nguyễn Minh Tuấn- Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần cho rằng, rượu khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành acetaldehyd, khiến người không tỉnh táo. Các thành phần trong các loại thuốc nói trên giúp giảm sự tạo thành acetaldehyd và đào thải nó ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, hiện chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào nói về hiệu quả của thuốc giải rượu. Sử dụng thuốc Paracetamol và acid folic... để giải rượu là rất nguy hiểm, bởi thuốc chỉ có tác dụng giảm đau, hạ sốt.
“Aspirin, Paracetamol ảnh hưởng rất xấu đến chức năng gan, kết hợp với rượu sẽ gây kích ứng niêm mạc dạ dày, chảy máu đường tiêu hóa. Nếu nồng độ Paracetamol trong máu quá cao, vượt quá khả năng khử độc của gan, chất độc sẽ tích lũy lại, gây hoại tử tế bào gan”, TS Đức nói.
Trong Đông y có một số bài thuốc hỗ trợ giải say rượu, bia hiệu quả và đơn giản bằng cách uống nước vắt từ củ sắn dây thêm ít muối; hoặc dùng bột sắn dây khuấy với nước sôi, thêm ít muối để ăn. Ngoài ra có thể dùng nước lá dong vắt uống”- Lương y Đinh Công Bảy. |
Gia Phú
No comments:
Post a Comment