Vừa hút thuốc vừa ngâm chân vào chậu mứt me bên cạnh ống cống (Ảnh:
Đức Thanh)
TT - Gần tết, số lượng thực phẩm chế biến tăng cao nhưng việc đảm bảo vệ sinh ngày càng giảm. "Có đoàn kiểm tra thì phải khác, còn bình thường thì... vô tư” - một nhân viên nói. Đức Thanh)
Cơ sở sản xuất lạp xưởng H tại đường Phan Anh, Q.Bình Tân, TP.HCM là một điển hình bởi trong ba lần chúng tôi đến cơ sở này thì lần một và lần ba chúng tôi ghi nhận các nhân viên với mình trần, tay không mang găng nhào nặn làm lạp xưởng. Chỉ riêng lần hai, chúng tôi theo đoàn thanh tra Sở Y tế TP.HCM thì thật “bất ngờ”, toàn bộ nhân công làm việc nơi đây được mặc đồng phục, đội chụp đầu, đeo khẩu trang và găng tay... hết sức chỉnh tề.
“Hô biến” qua mặt đoàn kiểm tra
Đi mua sỉ lạp xưởng tết, chúng tôi đến cơ sở H. Xưởng chế biến này hoạt động khá kín kẽ, mọi cánh cửa dẫn vào cơ sở này luôn đóng kín. Đến sát một cánh cửa hông, mùi hôi nồng nặc từ bên trong khu sản xuất thoát ra. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi tại khu sản xuất là gần chục nam nhân viên mình trần nhễ nhại mồ hôi đang hối hả làm việc.
Tại bàn nhào thịt, ba nam tay không mang găng nhào nặn lạp xưởng. Từ tay, thân đến chân của ba người này đều bóng loáng bởi được cọ xát với hàng trăm dây lạp xưởng. Thỉnh thoảng, một nhân công quẹt tay vào quần để chùi dầu mỡ và gãi sồn sột vào đùi. Dưới chân người này là một thau thịt màu đỏ thẫm, ruồi bu kín.
Cạnh đó, một người đàn ông không mang găng tay ngồi máy thoăn thoắt vuốt từng dây lạp xưởng đang được phân thành từng khúc. Công việc liên tục và độ nóng trong xưởng khiến mồ hôi người này chảy đầm đìa như tắm, rơi xuống máy phân khúc. Hàng trăm dây lạp xưởng đi qua chiếc máy này được sấy và đóng gói. Lạp xưởng thành phẩm và những thau thịt nguyên liệu được đặt cạnh nơi một người giúp việc đang rửa chén, nước từ thau rửa chén bát văng vào thịt lẫn lạp xưởng để gần đó.
3 mẫu có chất độc hại Thông tin về tình hình an toàn thực phẩm tết, bác sĩ Phạm Kim Bình - phó chánh thanh tra Sở Y tế TP.HCM - cho biết: “Chiến dịch thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tết trên khắp địa bàn TP bắt đầu từ ngày 22-12-2010. Đoàn thanh tra Sở Y tế đã lấy mẫu thực phẩm của các cơ sở gửi đi kiểm tra. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa phát hiện mẫu nào vi phạm về an toàn thực phẩm. Trong 23 mẫu do Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lấy ngẫu nhiên tại các chợ trong TP, phát hiện ba mẫu gồm hai mẫu tương ớt, một mẫu hạt dưa có chất Rhodamine B độc hại cho sức khỏe. Chúng tôi đã gửi công văn cho sở y tế các tỉnh liên quan và thông báo vi phạm cụ thể”. Khi chúng tôi đặt vấn đề về tình trạng đối phó của các cơ sở khi có đoàn kiểm tra đến, một thành viên của đoàn cho biết công việc kiểm tra diễn ra đột xuất nên rất khó xảy ra tình trạng này. |
Ngày 20-1, phóng viên Tuổi Trẻ cùng đoàn thanh tra thực phẩm tết của Sở Y tế TP.HCM cùng một số báo, đài trở lại cơ sở sản xuất lạp xưởng H để thanh tra, kiểm tra. Nhưng lần này chúng tôi được chứng kiến sự “lột xác” về điều kiện làm việc, vệ sinh của cơ sở này.
Toàn bộ số nhân công lần trước chúng tôi chụp ảnh, quay phim làm việc trong tình trạng ở trần, quần đùi thì giờ đây họ được mặc đồng phục, đội nón chụp đầu, đeo khẩu trang và găng tay... chỉnh tề, tất cả dụng cụ sản xuất trong nhà xưởng lần trước nằm lăn lóc, giờ được sắp xếp ngăn nắp, sàn nhà đầy dầu mỡ, trơn trượt đã được chùi rửa sạch sẽ.
Tuy nhiên, nằm sát miệng hố ga thoát nước vẫn là những thùng nhựa loại lớn đựng nước rửa thịt, mỡ heo, khay đựng thịt nạc và lạp xưởng vẫn lủng lẳng gần kề miệng nắp cống.
Đến ngày 21-1, chúng tôi trở lại cơ sở H thì hiện trường đã trở về đúng như ban đầu trước khi có đoàn đến kiểm tra. Những bộ đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang đã biến mất, thay vào đó là những thanh niên lưng trần, quần cộc khiêng lạp xưởng, những phụ nữ tay không nhào thịt heo. Nước bẩn và thịt văng ra làm nền nhà chuyển sang màu đỏ đậm.
Người thanh niên làm khâu phân lạp xưởng thành khúc lâu lâu lại dùng tay moi thịt của những khúc lạp xưởng bị vỡ. Phần thịt ấy được ném vào một cái thau và chúng sẽ được tái sử dụng. “Hô biến là xong ngay thôi. Có đoàn kiểm tra thì phải khác, còn bình thường thì... vô tư” - một nhân viên ở đây nói.
“Ngụp lặn” trong thùng ngâm mứt
Tương tự, cơ sở làm mứt tết T trên đường Thái Phiên, Q.11 có khuôn viên khá chật hẹp, mười nhân công khẩn trương làm việc với mình trần và tay không, mồ hôi nhễ nhại. Người thanh niên đang đảo mứt chốc chốc lại dùng tay trần chạy đến hốt mùn cưa bụi bay mù mịt cho vào lò rồi lại tiếp tục công việc.
Ở một góc khác, hàng chục thùng phuy ngâm nguyên liệu được đặt chồng lên nhau. Một người đàn ông mình trần khác nhảy lên một thùng phuy vớt bí ra. Để vớt hết bí nằm dưới đáy thùng, người này dùng rổ “ngụp lặn” gần nửa người để vớt. Trước khi nhảy xuống, người đàn ông này không quên cho chân vào thùng phuy bên cạnh để rửa đôi dép. Căn phòng chật hẹp và nóng nực nên các thợ ở đây vừa quệt mồ hôi vừa mang những nia mứt bí đi đóng gói.
Nằm cạnh nhà vệ sinh là gần chục thùng phuy ngâm gừng, bí, củ sen (nguyên liệu làm các loại mứt cùng tên)... không che đậy, sủi bọt trắng. Nước xanh, nước vàng lênh láng khắp nền nhà rồi chảy qua một đường rãnh thoát ra cống, sát miệng cống là những thau đựng nguyên liệu chuẩn bị làm mứt.
Tại đường Xóm Đất, Q.11, một cơ sở làm mứt không tên khác đang tấp nập chuyển hàng. Bốn nam thanh niên thản nhiên đứng cả hai chân trên những thùng phuy chứa bí này vừa chuyển bí vừa hút thuốc và gãi lưng. Cạnh lề đường, năm thùng phuy ngâm bí nổi bọt trắng. Dưới đất là hàng chục nia mứt đang phơi khô, ruồi, kiến bu đầy.
Nguồn VFA
No comments:
Post a Comment